Phật Pháp vấn đáp

Hỏi: Tôi là người mới bước chân vào đạo, muốn tìm hiểu học hỏi Phật Pháp. Nhưng không biết phải học hỏi kinh sách nào trước, cho nó có thứ lớp dễ hiểu hợp với trình độ sơ cơ của tôi?

Đáp: Thưa bạn, qua câu hỏi của bạn, chúng tôi biết bạn là người đang có nhiệt tâm muốn tha thiết nghiên tầm giáo điển của Phật giáo. Đây là điều thật đáng kính và đáng khích lệ.
Về kinh sách của Phật giáo thì có rất nhiều loại. Vì Phật giáo có cả một Đại tạng kinh bằng chữ Hán. Hiện nay (2007) điều rất hãnh diện cho người Phật tử Việt Nam chúng ta, theo chỗ chúng tôi được biết là, chư Tôn thiền đức đã dịch xong bộ Đại tạng kinh từ chữ Hán sang chữ Việt. Đây là điều thật đáng vui mừng cho Phật Giáo Việt Nam, nay đã có một Đại tạng kinh bằng chữ Việt. Tuy đã phiên dịch xong, nhưng còn phải chờ đợi sự in ấn, ít nhứt cũng phải trải qua một thời gian vài năm mới hoàn thành. Tất cả, lâu hay mau hoàn toàn đều tùy thuộc vào phần tài chánh. Phần tài chánh nầy là do sự đóng góp của toàn thể Phật tử. Theo Hội Đồng Phiên Dịch trong nước cho biết, công trình in ấn nhanh hay chậm đều do sự đóng góp tài chánh của Phật tử khắp nơi. Nếu Phật tử tích cực đóng góp, thì công trình
thực hiện in ấn, chắc chắn là sẽ hoàn thành sớm hơn.
Tuy nhiên, Đại tạng kinh Phật giáo dù đã được hình thành bằng Việt ngữ, nhưng đối với người mới sơ cơ học Phật cũng không phải dễ dàng nghiên cứu học hỏi.
Bởi có rất nhiều Kinh, Luật, Luận khác nào như một khu rừng rậm, mà người đi vào quờ quạng mò mẫm, rối rắm không biết lối ra. Nghĩa là, không biết nên học cái nào trước cái nào sau. Đó cũng là điều rất khó cho người sơ cơ học Phật.
Thế nên, theo tôi, nếu bạn muốn nghiên cứu học hỏi cho có hệ thống từ thấp lên cao, thì từ trước tới nay, theo chỗ chúng tôi được biết, thì chưa có bộ sách nào biên soạn hay hơn bộ Phật Học Phổ Thông. Bộ sách nầy do Cố Hòa Thượng Thiện Hoa biên soạn. Toàn sách gồm có 12 quyển, gọi là 12 nấc thang giáo lý.
Sách được trình bày qua Ngũ Thừa Phật Giáo. Mỗi Thừa đã được soạn giả trình bày qua từng bài học, biên soạn rất công phu, trình bày rất sáng sủa, có thể nói, đây là một loại sách giáo khoa, dễ học, dễ hiểu, giúp cho người học đở tốn thời gian phải tìm tòi lục lọi các kinh điển khác. Thiết nghĩ, mỗi Phật tử chúng ta, nên có bộ sách nầy được xem như là sách gối đầu giường.
Tuy sách để là Phật Học Phổ Thông, nhưng cũng không kém phần quan trọng. Về Nhơn Thừa và Thiên Thừa, bạn có thể đọc dễ hiểu. Nhưng từ Thanh Văn Thừa trở đi đến Bồ Tát Thừa, gồm có các bộ kinh luận cũng không phải là dễ nhận dễ hiểu, nếu không có thầy trực tiếp giảng dạy. Do đó, tôi thành thật khuyên bạn, tốt hơn hết là bạn nên đến chùa học hỏi với quý thầy, những vị đã có trình độ Phật học căn bản vững chắc.
Hoặc giả bạn có thể trực tiếp ghi danh tham dự những khóa học giáo lý do các chùa khai giảng, để từ đó bạn có một số vốn liếng căn bản Phật học, rồi tìm đọc các bộ kinh luận khác, thì sẽ dễ tiến hơn. Đó là lời khuyên thành thật của chúng tôi. Mong bạn hoan hỉ. Kính chúc bạn vững tiến trên con đường tu học Phật Pháp.

Hỏi: Khi đức Phật ra đời, Ngài bước đi bảy bước rồi dừng lại mà không bước tám bước hay sáu bước, rồi trên mỗi bước lại có một hoa sen. Vậy xin hỏi: bảy bước là tượng trưng cho ý nghĩa gì ?

Đáp: Vấn đề nầy có nhiều thuyết giải thích khác nhau.
Cho đến nay, người ta cũng chưa nhứt trí là thuyết nào đúng. Vì mỗi thuyết có mỗi lập luận khác nhau. Có thuyết nói: theo quan niệm của Phật giáo nói riêng và quan niệm của người Ấn Độ thuở xưa nói chung, tất cả đều cho rằng: Sự hình thành của một thế giới là do sự cấu tạo của nhiều hạt vi trần kết hợp lại. Nếu nói theo khoa học ngày nay là do nhiều nguyên tử hay phân tử kết hợp. Từ những hạt vi trần nhỏ kết hợp lại thành những vi trần lớn. Cứ như thế mà kết hợp dần lên thành ra một thế giới. Tuy nhiên, sự kết hợp của những hạt vi trần nầy theo phương cách nào? Điều nầy, theo nhà Phật nói, chính giữa có một cái hạt nhân chánh, rồi chung quanh có sáu hạt vi trần phụ. Chung lại, theo danh từ chuyên môn của Phật giáo gọi là thất lân hư trần. Tức là 7 hạt bụi rất nhỏ nhiệm gần như hư không kết hợp lại, nếu chẻ ra, thành ra hư không.
Từ thất lân hư trần hợp lại, thành một ngưu mao đầu trần (đầu lông con trâu). Từ thất ngưu mao đầu trần hợp lại, thành một thố mao đầu trần (đầu lông con thỏ)v.v..
Như vậy, con số 7 có ra là do nhiều hạt bụi tạo thành. Nói rõ ra, là không có hạt bụi nào tự nó đơn độc mà có, tất nhiên, là nó phải nhờ nhiều hạt bụi li ti khác để tạo thành. Bởi thế, nên hình ảnh đức Phật khi mới giáng sanh, Ngài bước đi bảy bước là để tiêu biểu cho Ngài bước đi khắp tất cả mọi nơi trên thế giới. Đồng thời cũng để tiêu biểu cho pháp âm của Ngài nói ra vang dội khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Còn hoa sen là tiêu biểu cho sự thanh khiết. Ý nói, mặc dù đức Phật sanh ra trong cõi đời ô trược nầy, nhưng Ngài không bao giờ bị nhiễm trần. Đó là vì nguyện lực của Ngài ra đời là để hóa độ chúng sanh vậy.

Hỏi: Là một phật tử tu theo pháp môn niệm Phật, con thường lần tràng hạt để niệm Phật. Tuy nhiên, thú thật là con chưa hiểu rõ ý nghĩa của nó như thế nào. Tại sao phải xâu kết làm 108 hạt, mà không phải là 107 hay 109? Như vậy, 108 có ý nghĩa gì? Và tại sao khi niệm Phật, tay cần phải lần chuỗi? Nó có công dụng gì cho việc diệt trừ phiền não không?
Đáp: Tràng hạt là một phương tiện trong muôn ngàn phương tiện khác. Trong Phật giáo có vô số phương tiện. Mọi hình thức pháp khí hay vật thể đều là những phương tiện. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà người ta bày ra. Dĩ nhiên, mỗi một hình thức của một vật thể đều có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của nó.
Thí dụ như cái mõ, cái chuông, cái trống v.v… Điều quan trọng cần nêu ra là: Nương phương tiện để đạt cứu cánh, tức như nhờ nôm mà bắt được cá, nhờ ná mà bắn được chim. Nếu nói theo cung cách ngôn ngữ của nhà Thiền thì “kiến sắc minh tâm”. Nói cách khác là: “nương sự để hiển lý, sự lý phải viên dung”. Đó là cái chủ đích chính yếu mà Phật giáo nhắm tới và đó cũng là thái độ khôn khéo của người tu học Phật.

Câu hỏi thứ nhứt là tại sao người ta xâu chuỗi kết 108 hạt mà không phải 107 hay 109 ?
Xin thưa: sở dĩ có con số 108, là vì người ta đem 6 căn, 6 trần và 6 thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18) rồi nhân cho 6 món căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thành ra có con số là 108 (18 x 6= 108). Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi cũng xin được giải thích thêm một chút về con số 108 tượng trưng nầy.

Như chúng ta đều biết, trong khế kinh Phật có dạy, sở dĩ chúng sanh cứ trôi lăn mãi trong vòng sanh tử luân hồi, gốc từ ở nơi vô minh. Mà vô minh có ra, gốc từ ở nơi căn, trần và thức. Thường gọi chung là Thập bát giới.

Ba thứ nầy, nếu xét kỹ, thì chúng ta thấy, lỗi là ở nơi căn và thức, chớ trần (6 trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) không có lỗi gì cả, vì chúng chỉ là đối tượng nhận thức của căn và thức mà thôi. Khi căn (tức 6 căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với trần (6trần nói trên) khởi thức (6 thức nói trên) phân biệt. Khi ý thức phân biệt lại cộng thêm 6 món căn bản phiền não vào. Nói rõ hơn là 6 món căn bản phiền não nói trên, chúng hợp tác cùng chung làm việc với Ý thức một cách rất chặt chẽ, đắc lực, nên mới có phân biệt tốt xấu, rồi sanh tâm yêu ghét. Cái niệm yêu ghét phát sanh là gốc từ ở nơi: tham, sân, si. Đây là đầu mối của vô minh phiền não (vọng tưởng) .

Từ đó, mới tạo nghiệp để thọ khổ. Nếu nói một cách nghiêm khắc và ngắn gọn hơn nữa, thì như kinh Lăng Nghiêm, Phật có nêu ra: “luân hồi hay giải thoát, gốc từ ở nơi 6 căn mà ra”. Như vậy, cho chúng ta thấy rằng, ba thứ nầy tối hệ trọng mà mỗi hành giả cần phải thẩm sát thật kỹ để đoạn trừ phiền não. Mà muốn đoạn trừ phiền não, thì hành giả cần phải có phương tiện, hay một pháp môn hành trì. Đối với người tu tịnh nghiệp, thì Phật Tổ đều dạy cần phải niệm Phật. Mà pháp môn niệm Phật, để đi đến nhứt tâm, thì bước đầu cần phải có phương tiện để cột tâm. Phương tiện đó,
ngoài câu niệm Phật ra, còn cần phải có thêm tràng hạt để lần từng hạt theo mỗi câu hiệu Phật làm chuẩn cứ trong khi niệm Phật công cứ vậy.

Đến câu hỏi thứ hai, tại sao khi niệm Phật, tay phải lần chuỗi?

Xin thưa rằng: không phải nhứt thiết ai niệm Phật cũng lần chuỗi cả. Điều nầy, còn tùy theo căn tánh và thói quen của mỗi người. Tuy nhiên, đối với những liên hữu nào đã phát nguyện niệm Phật công cứ, theo lời chư Tổ Liên tông đã chỉ dạy, thì cần nên lần chuỗi để tiện bề đếm số đúng như lời mình đã phát nguyện. Bởi vì đối với những người sơ cơ, nhiều nghiệp chướng như chúng ta, tâm chưa thuần nhứt, còn dẫy đầy vọng tưởng tạp loạn, thì tốt hơn hết nên dùng phương tiện tay lần chuỗi, để khi niệm Phật dễ cột tâm hơn, như trên đã nói. Hơn nữa, chúng ta cũng thường nghe nói, người tu tịnh nghiệp, thì tam nghiệp (thân, khẩu, ý) cần phải giữ thanh tịnh. Tay lần chuỗi thuộc về thân nghiệp, miệng niệm Phật thuộc về khẩu nghiệp, ý chuyên chú vào câu hiệu Phật không rời ra, thuộc về ý nghiệp. Rồi cũng trong kinh nói:“Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Như vậy, tay lần chuỗi cũng là mục đích để ghi nhớ mỗi một hạt chuỗi là niệm một câu hiệu Phật, đồng thời cũng là để ghi nhớ số không lộn lạo vậy.

Đến câu hỏi thứ ba, nó có công dụng gì cho việc diệt trừ phiền não không?

Xin thưa: đương nhiên là có. Như trên đã nói, công dụng của nó chỉ là một phương tiện như muôn ngàn phương tiện khác. Người ta dùng nó để niệm Phật. Nhờ lần chuỗi ghi số câu mà tâm ít tán loạn hơn. Tuy nhiên, điểm căn bản để diệt trừ phiền não, chính là ở nơi cái tâm. Người niệm Phật, tay lần chuỗi mà tâm lăng xăng, nghĩ xằng, tính bậy, chạy đông, chạy tây, thì đó chỉ là miệng niệm cho có niệm, chứ không thể nào kết quả định tâm được.
Mục đích chính của việc niệm Phật là để được định tâm. Vì niệm Phật là nhớ Phật, đằng nầy Phật không nhớ, mà nhớ những chuyện tào lao khác, niệm như thế, thì đâu có đúng ý nghĩa niệm Phật. Thế nên, muốn sớm mau hết phiền não, thì hành giả phải giữ tâm và tiếng cho hợp nhất và phải thường xuyên khắn khít nhau, đồng thời niệm câu hiệu Phật phải thật cho rành rõ.
Trong quyển sách Hạ Thủ Công Phu niệm Phật, Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có khuyến nhắc người niệm Phật bằng một bài kệ như sau:
Nam mô A Di Đà!
Không gấp cũng không hưởn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ
Nhiếp tâm là định học
Nhận rõ chính huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh

Nhứt tâm Phật hiện tiền
Tam muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện
Nam Mô A Di Đà!
Nam Mô A Di Đà!
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng Phẩm.

(Trích từ “100 câu hỏi Phật Pháp”)

Leave a comment