Tác dụng của thiền được lăng xê quá mức?

Trích nội dung bài báo được đăng trên BBC, bàn về tác dụng của thiền định và một số nghiên cứu khoa học về thiền chánh niệm.

thien

Theo bài báo, vẫn còn thiếu những bằng chứng khoa học về lợi ích mà thiền mang lại. Cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn trước khi các nhà khoa học có thể nói những rối loạn tâm thần và thể chất ở các cá nhân có thể được điều trị hiệu quả bằng thiền định chánh niệm.

Cùng với công tác nghiên cứu lâm sàng, các nhà thần kinh học muốn tìm hiểu xem thiền định đã làm thay đổi ra sao, nếu có, tới với những gì thực sự xảy ra bên trong não bộ.

Thiền có làm cho một số vùng trong não hoạt động tích cực hơn những vùng khác, hay kết nối mạnh mẽ hơn vùng này với vùng khác?

Thiền có tạo ra các tế bào thần kinh mới, hay có thực sự thay đổi cấu trúc não bộ hay không?

Một số nghiên cứu cho thấy câu trả lời là có.

Các nhà thần kinh học đã nghiên cứu các hiệu ứng vật lý của thiền chánh niệm bằng cách sử dụng hình ảnh cộng hưởng chức năng (fMRI) và các kỹ thuật khác trong hai thập kỷ qua.

Họ nhận thấy bộ não con người có khả năng thay đổi thể chất trong suốt tuổi trưởng thành, thậm chí cả khi ta đã lớn tuổi. Não bộ hình thành các kết nối mới và phát triển các tế bào thần kinh mới khi ta học một kỹ năng mới, thách thức bản thân hoặc thậm chí là qua tập luyện.

Quan điểm mới theo đó cho rằng não bộ có thể liên tục được định hình qua kinh nghiệm đã thay thế cho thuyết vốn đã có từ lâu rằng sau vài chục năm tồn tại trên đời thì chúng ta trở nên già đi và độ sắc bén nhanh nhạy của não chúng ta về cơ bản là suy giảm. Một số nghiên cứu về não cho thấy thiền chánh niệm có thể dẫn đến việc cải thiện chức năng và cấu trúc của não bộ.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật fMRI, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng thiền chánh niệm kích hoạt một mạng lưới các vùng não bao gồm insula (liên quan đến lòng bao dung, sự đồng cảm và tự nhận thức), putamen (học hành) và các phần của vỏ não trước (điều hòa huyết áp, nhịp tim và các chức năng tự trị khác) và vỏ não trước trán (trung tâm của các kỹ năng tư duy bậc cao hơn như lập kế hoạch, ra quyết định và kiểm soát hành vi xã hội).

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không chắc là liệu những thay đổi này trong hoạt động của não có thể được duy trì không khi mà một cá nhân không tích cực thiền, và nếu vậy thì con người chúng ta cần thiền nhiều tới mức nào để đạt được điều đó.

Trong thực tiễn, các hình thức thiền định khác nhau hiện được cung cấp thường xuyên cho các cựu chiến binh mắc PTSD (chứng rối loạn hậu chấn thương tâm lý).

Nó cũng được đưa ra như một liệu pháp để giúp bất cứ ai bị các chứng bệnh và rối loạn, từ căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, nghiện ngập cho tới đau mãn tính.

Nhìn chung, thiền đã trở thành một phương pháp thịnh hành nhằm giúp nâng cao hiệu suất làm việc. Thiền ‘Chánh niệm’, một loại thiền tập trung tâm trí vào thời điểm hiện tại, đang cực kỳ phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thiền định có thể giúp mọi người thư giãn, kiểm soát căng thẳng mãn tính và thậm chí làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc giảm đau.

Một số nghiên cứu ấn tượng nhất cho đến nay bao gồm điều trị được gọi là liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm, theo đó kết hợp thiền định với liệu pháp tâm lý để giúp bệnh nhân đối phó với những suy nghĩ tiêu cực, gây trầm cảm. Các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đã chỉ ra rằng cách tiếp cận này làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát trầm cảm ở những cá nhân trước đây từng có từ ba đợt trầm cảm nghiêm trọng trở lên.

Những người thiền định nói rằng họ đang chú ý đến khoảnh khắc hiện tại, họ có thể là tập trung vào hơi thở, nhưng cũng có thể vào những cảm xúc trỗi dậy rồi qua đi, vào một hình ảnh, vào một cuộc trò chuyện thầm kín hoặc một cảm giác trong cơ thể.

Khi nói đến những thay đổi cấu trúc thực tế trong não, một số nghiên cứu cho thấy thiền chánh niệm có thể làm tăng mật độ chất xám ở vùng đồi thị, là vùng não cần thiết cho trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu bao gồm Britta Hölzel, hiện làm việc tại Đại học Kỹ thuật Munich, và Sara Lazar từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã tìm thấy bằng chứng cho nghiên cứu này trong một nghiên cứu năm 2011. Dựa trên nghiên cứu của mình về những người tham gia thiền định, các nhà khoa học đã đề xuất rằng chánh niệm hoạt động như một bộ đệm đặc biệt để chống lại stress.  Việc thiền giúp tăng cường hoạt động ở các vùng của vỏ não trán trước vốn rất quan trọng đối với “kiểm soát stress từ trên xuống”, trong khi giảm hoạt động và kết nối chức năng ở các vùng liên quan đến phản ứng đối phó với tình trạng stress – đặc biệt là phần hạch hạnh nhân (amygdala). Thiền định chánh niệm “giúp ta đạt được điều mà các nhà tâm lý học trường học cũ gọi là ‘khả năng phản xạ, thay vì tự động phản ứng theo những cách nhất định, nó cho phép ta có nhiều sắc thái khác nhau khi phản ứng với bất kỳ tình huống nào – như căng thẳng, sợ hãi – và tạo ra khoảng cách tâm lý.”

Theo dõi bài viết đầy đủ tại:

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-44117377

(Theo BBC).

 

Leave a comment