Đòi nợ Phật

Muốn đặng thiện duyên hai chữ, phải lo tác phước ngàn ngày

Điều này  là người con Phật ai cũng thấu, nhưng có anh chàng ngáo kia đã hỏi “Các thím đem đồ lên chùa cúng Phật, chẳng biết cúng làm vậy bao giờ Phật trả lại?”

Người ta mới trả lời “Ðem đồ đi cúng, lưu tử tôn hậu thế, hưởng lợi lộc vô cùng, bây giờ cúng có mười đồng, ngay sau trả mà quá chục, lời tục kêu rằng cúng, ngày sau chẳng khác cho vay, hễ là tích đức ngàn ngày, thời cũng nhờ ơn muôn thuở”.

anh-minh-hoa-1-1501750183403.jpg

Vì vậy mới sinh ra chuyện “Trương Ngáo đòi nợ Phật”. Đây là một kịch bản nổi tiếng được dựng theo các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam như hát bội – cải lương – kịch nói và chèo. Bởi hoàn cảnh đáng thương, đầu óc ngây ngô mà chàng ngáo phải lên đường đòi nợ Phật, dù trong lòng vẫn tâm niệm: “Quán bao gió lọt sương lồng, dặm hòe thăm thẳm non trùng vơi vơi, ra đi miệng vái Phật trời, nguyện xin phò hộ cho tôi phen này”. Đây là một kịch bản mang nhiều triết lý, ở đây không bàn luận sâu mà chỉ giới thiệu một tác phẩm hay, xin lược nội dung để độc giả tự suy ngẫm:

Mụ Tam Bành là loại “việc làm hồ hổn quá chằng tinh, nghề đôi mách lẻo hơn sóc lá, khéo biết làm nem làm chả, tài hay bán bộ bán thuyền. Mẫu người như vậy ai dám gá nghĩa vợ chồng, mụ ta thừa biết thế nên chọn anh Trương Ngáo thật khùng, vừa đỡ tiếng nguyền rủa người đời lại được có người sai vặt, kể cả đánh đòn anh ta. Dù vậy, từ ngày có anh Trương Ngáo phụ việc buôn bán có phần tương đối, bản thân rổi rảnh, mụ bèn tính chuyện đú đởn với Lục Tồn (còn gọi là Sáu Tồn) một tay phú hộ trong làng, lâu nay mụ hay vay nợ, biến con nợ thành người tình hàng ngày qua lại trước mắt Trương Ngáo. Ðến khi nhận thấy sự có mặt của Trương Ngáo không còn tác dụng và vì muốn tống khứ đi để hai người rảnh bề quan hệ. Hai người giao năm quan tiền cho Trương Ngáo đi buôn xa, kỳ thật là để anh chết dần mòn vì đói hoặc cướp giết do chính bản năng ngu dốt và thật thà của anh ta, anh ta ngoan ngoãn “vâng lời dạy lãnh năm quan, xuống chợ Tú Giang nguyện bố hàng”. Giữa đàng, anh ta thấy có người tấp nập với những quả hướng về chùa Vạn Linh nhân dịp đúc tượng Phật. Ðược người ta giải thích công đức cúng đúc tượng, anh ta nghĩ theo lối lãi lời buôn bán, ngày sau hưởng gấp mười lần, nên không chần chừ “Xách tiền nọ cúng theo, cho Phật kia lãnh lấy”. Rồi hí hửng tâm đắc: “Kíp trở về nói lại vợ hay, sau lên đó đặng đòi Phật trả”. Anh ta trở về nói lại cho mụ vợ lăng loàn, nhưng vừa thấy Trương Ngáo về với lời lẽ ngu dại mụ ta chửi mắng thậm tệ kèm theo gậy gộc bổ vào mình chí tử. Sau đó mụ bảo Trương Ngáo phải đi đòi lại bằng được nếu không thì sẽ bị đòn và bỏ đói. Trương Ngáo vừa sợ vừa chạy hộc tốc “Mau kịp tới tự trung đòi tiền Phật đem về trả lại, miễn khỏi bị đòn nào nại đường xa…”. Ðến nơi, Tăng chúng chùa Vạn Linh vì nhận thấy vị thí chủ có một không hai lại ăn nói cà khùng nên đã bảo với Trương Ngáo “Của cúng là của mất, Phật ở đây là Phật đồng – như anh muốn đòi, ta chỉ cho nơi Tây phương thiệt tích thiệt tông, chớ nơi am tự là tranh là tượng”. Dĩ nhiên Trương Ngáo lên đường “Kíp thẳng tới phương Tây, ngõ đòi tiền Phật”. Giữa đường Trương Ngáo qué qua nhà cô Hà Như Ý, là người “Quê ngụ quận Lữ Châu,…. tuổi ba tám lỡ duyên trăng gió” và nàng lập ra quán tranh này không phải vì nghèo khó, mà là “Nơi lều tranh đợi khách hữu tình, cất quán đặng kén duyên tác hiệp”. Nghe Trương Ngáo nói đi đòi nợ Phật cô cũng nực cười và chỉ nghĩ chuyện ấy viễn vông nên cô gởi nhắn hỏi Phật sao phận nàng còn cô đơn. Tuy vậy, vốn tính hiền lương cô vẫn tỏ ra ân cần và giúp đỡ anh ta ngay đúng lúc cạn tiền. Rồi anh ta tiếp tục cuộc hành trình, và lần này Phật “hiện” ra cho anh ta gặp thật ngay giữa đường chớ không cần đến Tây phương. Phật hiện ra với hình tướng y như tượng đồng ở chùa Vạn Linh nên vừa gặp anh ta vừa tức, vừa mừng lại cũng tỏ ra thành kính. Phật trả anh một đồng, anh ta giãy nảy. Phật nói “Tiền này tiền Phật tiền Trời, chẳng phải tiền Ma tiền Quỷ”. Ðó là đồng tiền ước, có thể biến hóa thêm nhiều, Phật còn ban cho một nhánh cây để khử trừ ma quỷ, soi lẽ thẳng ngay và đặc biệt là viên thuốc uống vào để có lại trí thông minh. Sau đó Phật đặt tên cho anh là Hứa Chơn Tâm và tác hợp anh ta với cô Như Ý cũng là một việc không ngờ, và nhận thấy anh ta đã thoát khỏi dáng vẻ lư láo dại khùng trở nên một người đàn ông điềm đạm – nhân từ – thông minh, nên cô chẳng ngại ưng tình chồng vợ. “Quả Thích Ca giáng thế, chơn Bồ tát độ nhơn, cho hay máy chước tuần hoàn, mới biết anh linh hiện tại”. Còn nhành cây Phật ban thì “Cây lá phép Phật thời trồng lại, bến đò xưa còn phải trải qua”. Từ một đồng tiền vàng, nhành lá thuốc, hai vợ chồng chẳng mấy chốc trở thành phú hộ không ai sánh bì, chuyên cứu người nghèo, chữa trị bệnh nhân khổ và thường xuyên mở hội lễ chẩn bần, mướn gánh hát về giúp dân vui sống.

Với Tam Bành và Lục Tồn, khi đuổi được Trương Ngáo đi và ngỡ đã bỏ xác trên đường tìm đến Tây phương, kẻ dâm dật người bài bạc đã phải tán gia bại sản, trở thành phường hát ăn xin để rồi nhân một buổi chẩn bần của vợ chồng phú hộ Hứa Chân Tâm, bọn họ lại đến để nhận đôi chút phần bố thí và hát đôi điệu múa bông phục vụ theo lời gia chủ phán “Múa thời có long có hố, múa sao cho có Phật tiên”. Khi tất cả nhận ra nhau, bọn Tam Bành dập đầu sám hối xin tha còn Hứa Chơn Tâm dõng dạt “Phật ca dạy gẫm nên cặn kẽ, thần tuyền soi thấy rõ ràng, cho hay nghiệp báo vinh quang, mới biết thành năng cảm hoặc”.

Leave a comment