Sự tích Văn Thù Sư Lợi Bồ tát

vanthuBồ Tát Văn Thù Sư Lị (Lợi) thường gọi tắt là Bồ Tát Văn Thù, có nghĩa là Diệu đức. Ngài là Thượng thủ của Phật Thích Ca trong hàng Bồ Tát, được tôn xưng là “Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát”.  Hình hay tượng Ngài ngồi kết già trên bệ có 12 tay:

Phía trước có 6 tay:

  • Hai tay dưới để trong thế thiền định, bưng bình nước cam lộ.
  • Hai tay giữa nhúng trong bình chuẩn bị vẩy cam lộ, tượng trưng cứu khổ cho vui.
  • Hai tay trên bắt ấn chuyển pháp luân trước ngực: ngón trỏ và ngón cái làm thành vòng tròn, các ngón khác duỗi thẳng lên, lòng tay phải quay ra, lòng tay trái quay vào .

Phiá sau có 6 tay:

  • Hai tay trên bắt ấn tối thượng Bồ đề bên trên đầu: Hai bàn tay chắp lồng vào nhau, các ngón tay nọ nắm mu bàn tay kia, trừ ngón trỏ và ngón cái để thẳng.
  • Hai tay giữa dang ra hai bên: tay trái cầm cung, tay phải cầm tên, tượng trưng giết phiền não.
  • Hai tay dưới dang ra hai bên: tay trái cầm giá đựng Kinh, tay phải cầm kiếm, tượng trưng diệt vô minh

Lại có hình tượng thờ Ngài ngồi trên lưng Sư tử, sư tử rống lên các loài đều sợ, đó là biểu tượng trí tuệ diệt trừ tất cả phiền não của chúng sinh.Tay Phải cầm gươm, mũi gươm cao tới ngang đầu Ngài, tay trái cầm Kinh Bát Nhã trước ngực. Tượng trưng diệt Vô minh, được Trí Huệ.

Sự tích Văn Thù Bồ tát được ghi trong kinh Bi Hoa, khi đó Ngài con thứ 3 của vua Vô Tránh Niệm (xem Sự tích A Di Đà Phật). Chi tiết như sau:

“Thiện nam tử! Bấy giờ, Phạm-chí Bảo Hải lại nói với vị vương tử thứ ba là Vương Chúng: ‘Thiện nam tử! Nay hết thảy những nghiệp thanh tịnh phước đức mà ông đã từng làm, nên vì tất cả chúng sinh mà cầu được thành bậc Nhất thiết trí, hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Thiện nam tử! Lúc đó, vị vương tử thứ ba liền chắp tay trước Phật bạch rằng:
‘Thế Tôn! Hết thảy những công đức cúng dường Như Lai và chư tỳ-kheo tăng trong ba tháng, cùng với những nghiệp thanh tịnh về thân, miệng và ý mà con đã làm, nay con xin hồi hướng tất cả về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ- đề. Sở nguyện của con không thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới bất tịnh, cũng không nguyện được mau chóng thành tựu quả Anậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thế Tôn! Trong khi con tu hành đạo Bồ Tát, nguyện cho tất cả những chúng sinh mà con đã giáo hóa trong vô lượng vô biên cõi Phật thế giới ở khắp mười phương đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dừng trụ vững chắc nơi đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, và khuyến khích giáo hóa những chúng sinh ấy trụ yên nơi sáu pháp ba-la-mật.
“Nguyện cho trong tất cả các cõi thế giới ở mười phương, nhiều như số hạt bụi nhỏ trong các cõi Phật như số cát sông Hằng, có bao nhiêu chư Phật đã thành Phật, thuyết pháp trước con thì con đều có thể dùng thiên nhãn thanh tịnh để nhìn thấy tất cả.
“Nguyện cho trong khi con tu hành đạo Bồ Tát có thể làm nên vô lượng Phật sự. Trong đời vị lai con sẽ tu hành đạo Bồ Tát không có giới hạn. Những chúng sinh mà con đã giáo hóa đều được tâm thanh tịnh giống như Phạm thiên. Những chúng sinh ấy khi sinh về cõi thế giới của con đều sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, con dùng những chúng sinh như thế để trang nghiêm tốt đẹp cho cõi Phật.
“Nguyện cho các cõi Phật trong Tam thiên Đại thiên thế giới nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương hợp lại thành một cõi Phật, bao quanh cõi Phật ấy có một bức tường báu lớn, dùng bảy món báu lấp đầy những chỗ khuyết trũng. Bức tường ấy cao lớn lên đến tận cõi Vô sắc, dùng ngọc lưu ly màu xanh biếc trải làm mặt đất, không có các thứ bụi đất, cát đá dơ bẩn; không có các loài gai góc, cũng không có những sự xúc chạm xấu ác; không có nữ giới, cũng không có tên gọi để chỉ nữ giới.
“Hết thảy chúng sinh đều là hóa sinh, không ăn bằng cách nhai nuốt, chỉ dùng niềm vui của tam-muội mà làm thức ăn. Thế giới ấy không có Thanh văn thừa và Bích-chi Phật thừa, trong khắp cõi thế giới chỉ có rất nhiều những vị Bồ Tát đã lìa xa tham dục, sân khuể, ngu si, tu tập Phạm hạnh thanh tịnh.
“Ở thế giới ấy, ngay khi sinh ra thì râu tóc tự rụng, trên người có đủ ba tấm pháp y. Khi sinh ra rồi, vừa khởi ý muốn ăn thì liền có ngay bát quý trong lòng bàn tay phải, tự nhiên có đủ hàng trăm món ăn ngon lạ hiện ra trong bát.
“Khi ấy, các vị Bồ Tát vừa sinh ra liền tự suy nghĩ rằng: ‘Chúng ta không nên dùng những thức ăn thuộc loại nhai nuốt này. Nay chúng ta nên mang đi khắp mười phương, cúng dường chư Phật cùng với đại chúng Thanh văn và những người nghèo khó. Lại có những ngạ quỷ đang chịu đói khát khổ não, thân thể bị thiêu đốt, chúng ta nên đến đó để giúp cho họ được no đủ. Tự thân chúng ta nên tu tập hành trì, chỉ dùng niềm vui của tam-muội mà làm thức ăn.’
“Vừa suy nghĩ như vậy xong thì liền được phép Tam-muội Bất khả tư nghị hạnh của hàng Bồ Tát. Do phép tam-muội này liền được sức thần không ngăn ngại, hóa hiện ngay đến chỗ của chư Phật hiện tại trong vô lượng vô biên cõi thế giới, cúng dường chư Phật và chư tỳ-kheo tăng, cung cấp bố thí cho tất cả những người nghèo khó, xuống cho đến tận loài ngạ quỷ. Bố thí như vậy rồi lại vì những chúng sinh ấy mà thuyết pháp. Không bao lâu, vừa đến giờ ăn thì đã đi khắp mọi nơi và quay về cõi thế giới của mình.
“Cho đến y phục, trân bảo cùng với hết thảy những vật cần dùng cũng đều cúng dường chư Phật và bố thí xuống đến tận loài ngạ quỷ, tương tự như việc cúng dường bố thí thức ăn, rồi sau đó mới tự mình thọ dụng.
“Nguyện cho thế giới của con không có tám nạn, không có những điều bất thiện, khổ não, cũng không có những việc như thọ giới, phá giới, sám hối, không có cả tên gọi chỉ những việc như thế.
“Nguyện cho thế giới của con thường có vô lượng trân bảo các loại, dùng để lấp vào những chỗ khuyết trũng. Các thứ trân bảo, y phục, cây cối đều là chưa từng có ở các cõi thế giới trong mười phương, cũng chưa từng nhìn thấy hay nghe nói đến, thậm chí chỉ cần nói tên các thứ ấy thôi mà đến trăm ngàn năm vẫn chưa thể nói hết!
“Nguyện cho các vị Bồ Tát ở thế giới của con, khi muốn thấy màu sắc của vàng liền tùy ý được thấy, muốn thấy màu sắc của bạc cũng tùy ý được thấy. Trong khi thấy màu sắc của bạc cũng không mất tướng mạo của vàng, trong khi thấy màu sắc của vàng cũng không mất tướng mạo của bạc. Đối với các loại như pha lê, lưu ly, xa cừ, mã não, xích chân châu, đủ mọi loại trân bảo, cũng đều tùy ý được nhìn thấy như thế.
“Nếu muốn được thấy các loại hương a-kiệt-lưu, hương đa-già-lưu, hương đama-la-bạt, chiên-đàn, trầm thủy, cho đến loại chiên-đàn đỏ, chiên-đàn Ngưu Đầu, hoặc muốn thấy thuần một loại chiên-đàn, cũng đều tùy ý được thấy. Hoặc chỉ muốn thấy trầm thủy, cũng tùy ý được thấy. Trong khi thấy trầm thủy cũng không mất chiên-đàn, trong khi thấy chiên-đàn cũng không mất trầm thủy. Hết thảy các loại khác cũng đều như vậy. Hết thảy mọi sở nguyện đều được thành tựu.
“Nguyện cho thế giới của con không có mặt trời, mặt trăng. Các vị Bồ Tát đều có hào quang sáng rực, tùy theo chỗ mong cầu mà tự nhiên phát ra, thậm chí có thể chiếu sáng đến trăm ngàn muôn ức na-do-tha thế giới. Do ánh sáng của hào quang nên không có sự phân biệt ngày đêm. Khi các loài hoa nở ra liền biết là ban ngày; khi các loài hoa khép lại liền biết là ban đêm.
“Thế giới ấy điều hòa dễ chịu, không có sự nóng bức hay rét lạnh, cho đến không có cả những việc như già, bệnh, chết. Nếu như có vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ nào sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở cõi thế giới khác, vị ấy liền mang chính thân hiện tại mà đến ở nơi cung trời Đâu-suất của thế giới kia cho đến khi xả bỏ thân ấy mà thành Phật.
“Sau khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi sẽ không ở nơi thế giới ấy mà nhập Niết-bàn. Vào lúc con nhập Niết-bàn ở giữa hư không, các vị Bồ Tát có chỗ mong cầu đều sẽ tự nhiên thành tựu.
“Bao quanh thế giới ấy thường có trăm ngàn ức na-do-tha các loại âm nhạc tự nhiên. Các loại âm nhạc ấy không phát ra âm thanh của lòng ham muốn, thường phát ra âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, âm thanh của kinh tạng Bồ Tát, âm thanh của ý nghĩa rất thâm sâu. Các vị Bồ Tát đối với những âm thanh ấy đều tùy theo từng loại mà hiểu rõ.
“Bạch Thế Tôn! Trong khi con tu hành đạo Bồ Tát, hết thảy mọi sự trang nghiêm tốt đẹp mà con từng được thấy trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi Phật, cùng với mọi cách nghiêm sức, đủ mọi tướng mạo, hết thảy các trụ xứ, đủ mọi sở nguyện, nguyện cho thế giới của con thảy đều thành tựu được những sự trang nghiêm tốt đẹp giống như vậy, chỉ trừ ra không có các hàng Thanh văn và Bích-chi Phật, lại cũng không có những thứ như năm sự uế trược, ba đường ác… không có các núi Tu-di, núi Thiết vi lớn, núi Thiết vi nhỏ, đất cát sỏi đá, biển cả, cây rừng… Thế giới ấy chỉ toàn các loại cây báu, vượt hơn các loại cây báu cõi trời; không có các loại hoa nào khác, chỉ có các loại hoa cõi trời như hoa
mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la. Thế giới ấy không có sự thối tha hôi hám, chỉ thuần có hương thơm mầu nhiệm lan tỏa khắp nơi nơi. Các vị Bồ Tát thảy đều là ở địa vị Nhất sinh bổ xứ, không có vị nào phải thọ sinh ở một nơi nào khác nữa, chỉ trừ những vị sẽ thành Phật ở phương khác thì sẽ đến ở nơi cung trời Đâu-suất của phương ấy cho đến khi xả bỏ thân ấy mà thành tựu quả A-nậu-đala Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Bạch Thế Tôn! Thời gian tu hành đạo Bồ Tát của con không có giới hạn, miễn là phải thành tựu được cõi Phật vi diệu thanh tịnh đúng như vậy. Các vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ có rất nhiều trong khắp cõi thế giới ấy, thảy đều là do con đã khuyên dạy từ lúc mới phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cho đến lúc trụ yên trong sáu pháp ba-la-mật. Thế giới San-đề-lam này nếu như sáp nhập vào thế giới của con thì hết thảy mọi khổ não liền dứt mất.
“Thế Tôn! Khi con tu hành đạo Bồ Tát, nhất thiết phải thành tựu cho bằng được những điều ít có như thế, rồi sau mới thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyện có cây Bồ-đề tên là Tuyển trạch kiến thiện trân bảo, che rộng ra chung quanh đến mười ngàn cõi Bốn thiên hạ, hương thơm và ánh sáng tràn ngập khắp mười cõi Tam thiên Đại thiên thế giới. Bên dưới cây Bồ-đề ấy, có đủ các loại trân bảo làm thành tòa báu kim cang, rộng lớn bằng năm cõi Bốn thiên hạ. Tòa báu ấy có tên là Thiện trạch tịch diệt trí hương đẳng cận, cao đến mười bốn ngàn do-tuần. Con ngồi kết già trên tòa báu ấy, chỉ trong một niệm đã thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Từ đó cho đến khi nhập Niết-bàn, con vẫn thường ở nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề ấy, ngồi trên tòa báu kim cang, chẳng hề tan rã, hoại mất. Lại còn hóa hiện ra vô lượng chư Phật cùng với chúng Bồ Tát, sai khiến đến các cõi Phật khác để giáo hóa chúng sinh. Mỗi một vị hóa Phật đều vì chúng sinh mà thuyết giảng chánh pháp nhiệm mầu chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn. Trong thời gian ngắn ngủi ấy đã có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Không bao lâu sau khi phát tâm liền được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Những vị hóa Phật và chúng Bồ Tát này thường làm được những điều ít có như thế!
“Sau khi con đã thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, nguyện cho chúng sinh trong tất cả các cõi thế giới khác thảy đều nhìn thấy thân con. Nếu có chúng sinh nào vừa nhìn thấy thân con với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, liền khiến cho chúng sinh ấy phát tâm kiên định không còn thay đổi đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, từ đó cho đến khi đạt đến Niết-bàn thường luôn được thấy Phật.
“Nguyện cho hết thảy chúng sinh trong cõi thế giới của con đều được đầy đủ sáu căn, trọn vẹn không khiếm khuyết. Nếu các vị Bồ Tát có ai muốn được nhìn thấy con, thì ngay tại nơi ở của họ, trong những lúc đi lại, nằm ngồi đều có thể được nhìn thấy. Các vị Bồ Tát này, ngay sau khi vừa khởi tâm muốn thấy, tức thời liền được thấy con đang ngồi nơi đạo tràng dưới gốc cây Bồ-đề. Trong khi được nhìn thấy con thì bao nhiêu những chỗ nghi trệ về pháp tướng từ trước đều được con giảng thuyết cho, thảy đều trừ dứt, lại còn hiểu sâu thêm ý nghĩa của pháp tướng.
“Nguyện cho thọ mạng của con trong đời vị lai là vô lượng, không ai có thể tính đếm được, chỉ trừ bậc Nhất thiết trí. Thọ mạng của các vị Bồ Tát cũng đều như vậy. Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chỉ trong một niệm, thì ngay sau đó cũng chỉ trong một niệm liền có vô lượng Bồ Tát, râu tóc tự rụng, trên người có ba tấm pháp y, cho đến lúc nhập Niết-bàn cũng không có bất cứ một ai có râu tóc mọc dài ra hay mặc y phục thế tục. Tất cả đều chỉ mặc y phục của bậc xuất gia.’
“Bấy giờ, Phật Bảo Tạng bảo vị vương tử thứ ba rằng: ‘Thiện nam tử! Lành thay, lành thay! Ông thật là một bậc đại trượng phu thuần thiện, khéo thông hiểu rất sâu xa, có thể khởi nên đại nguyện rất khó khăn. Công đức việc làm của ông thật hết sức sâu xa, không thể nghĩ bàn. Đó chính là chỗ làm của bậc có trí huệ mầu nhiệm tinh tế vậy!
“Này thiện nam tử! Ông vì chúng sinh nên mới tự phát đại nguyện đáng kính đáng trọng như vậy, muốn có được cõi nước mầu nhiệm thanh tịnh. Do ý nghĩa này, nay ta đặt tên cho ông là Văn-thù-sư-lợi. Trong đời vị lai, trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát của hai con sông Hằng, vào số a-tăngkỳ kiếp vô lượng vô biên lần thứ ba, về phương nam cõi này có thế giới Phật tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Trí. Thế giới San-đề-lam này sẽ sáp nhập vào trong thế giới ấy.
“Trong thế giới ấy có đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp. Ông sẽ ở nơi thế giới ấy mà thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Phổ Hiện Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Chúng Bồ Tát nơi ấy thảy đều thanh tịnh. Những sở nguyện của ông đều được thành tựu đầy đủ đúng như lời ông đã nói.
“Thiện nam tử! Khi ông tu hành đạo Bồ Tát đã từng ở nơi vô lượng ức các đức Như Lai trồng các căn lành, vì thế nên hết thảy chúng sinh dùng ông như phương thuốc quý: tâm thanh tịnh của ông có thể phá trừ phiền não, tăng trưởng các căn lành.’
“Khi ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch trước Phật rằng: ‘Thế Tôn! Nếu như sở nguyện của con sẽ được thành tựu, được lợi ích bản thân, nguyện các cõi thế giới vô lượng vô biên a-tăng-kỳ trong khắp mười phương đều sẽ chấn động đủ sáu cách.Trong các thế giới ấy, chư Phật hiện tại đang thuyết pháp đều thọ ký cho con.
Lại nguyện cho hết thảy chúng sinh được thọ hưởng sự hoan hỷ như Bồ Tát nhập cảnh giới thiền định thứ hai, được tùy ý tự tại. Không trung mưa xuống hoa mạn-đà-la, tràn ngập khắp thế giới. Trong hoa ấy thường phát ra những âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, và những âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, sức, vô sở uý… Nguyện khi con kính lễ Phật liền xuất hiện đủ các tướng mạo như thế.’
“Nói lời ấy xong, Văn-thù-sư-lợi liền cúi đầu sát đất kính lễ đức Phật Bảo Tạng. Ngay khi ấy, vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới trong khắp mười phương liền chấn động đủ sáu cách, không trung có hoa mạn-đà-la rơi xuống như mưa. Hết thảy chúng sinh đều được thọ hưởng sự vui sướng khoan khoái như Bồ Tát nhập cảnh giới thiền định thứ hai, tùy ý tự tại. Các vị Bồ Tát khi ấy chỉ còn nghe thấy những âm thanh Phật, âm thanh pháp, âm thanh tỳ-kheo tăng, và những âm thanh của sáu pháp ba-la-mật, sức, vô uý…
“Bấy giờ, các vị Bồ Tát ở những phương khác thấy nghe việc này đều kinh ngạc, cho là chưa từng có. Mỗi vị đều thưa hỏi đức Phật ở cõi mình rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành này?’
“Chư Phật đều bảo với các Bồ Tát rằng: ‘Hết thảy chư Phật trong khắp mười phương hiện đang vì Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho nên mới hiện điềm lành này.’
“Khi ấy, đức Như Lai Bảo Tạng vì Văn-thù-sư-lợi thuyết kệ rằng:
Bậc phát nguyện cao rộng,
Nay ông hãy đứng lên!
Chư Phật khắp mười phương,
Đã vì ông thọ ký,
Nên trong đời vị lai,
Ông sẽ thành Chánh giác.
Mặt đất khắp thế giới,
Đều chấn động sáu cách,
Hết thảy mọi chúng sinh,
Đều được hưởng khoái lạc.
“Thiện nam tử! Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi nghe Phật thuyết kệ rồi sinh tâm hoan hỷ, liền đứng lên trước Phật chắp tay cung kính, lễ bái dưới chân Phật rồi lui ra gần đó ngồi yên lặng lắng nghe thuyết pháp.”

Leave a comment